Tin tức

Hóa giải đòn ném biên của Indonesia bằng cách nào?

Đánh giá (5/1)
Facebook Twitter Google Myspace
Trước khi tính tới chuyện ghi bàn và giành chiến thắng, ĐT Việt Nam cần phải hóa giải vũ khí ném biên của Indonesia ở trận tái đấu tối nay.

Vì sao những cú ném biên lại nguy hiểm?

Với những cú ném biên rất mạnh của Pratama Arhan, Indonesia đã sở hữu thứ vũ khí đầy tính sát thương trong tấn công. Ở trận đấu vào tối 21/3 vừa qua, ĐT Việt Nam đã để lọt lưới bởi ngón đòn này của HLV Shin Tae-yong.

HLV Troussier không còn lạ lẫm với vũ khí ném biên của Indonesia bởi tuyển U22 Việt Nam của ông từng 2 lần để lọt lưới ở bán kết SEA Games 32. Cảnh giác cao là vậy nhưng nhà cầm quân người Pháp vẫn phải trả giá. Vì sao những cú ném biên vào vòng cấm lại nguy hiểm tới vậy?


Những cú ném biên đầy uy lực của Pratama Arhan đã gây nhiều khó khăn cho hàng thủ của Việt Nam

Thực ra, đây là chiến thuật không còn xa lạ trong thế giới bóng đá. Yếu tố đầu tiên khiến những cú ném biên vào vòng cấm nguy hiểm là bởi nó đã tận dụng nguyên tắc rất cơ bản của bóng đá là không bắt lỗi việt vị với những cú ném biên. Nhờ đó, các cầu thủ của bên tấn công có thể tự do di chuyển, tổ chức tình huống, khác hẳn với những pha bóng cố định khác.

Thứ 2, những cú ném biên vào vòng cấm có lực không mạnh như những cú đá phạt nên rất khó để các cầu thủ của đội phòng ngự có thể đánh đầu phá bóng xa khỏi vòng cấm nếu không có sự chuẩn bị kĩ lưỡng. Về mặt này, ném biên thậm chí còn nguy hiểm hơn phạt góc.

Khi đối mặt những cú phạt góc, hậu vệ có thể chỉ cần chọn đúng điểm rơi để phá bóng ra xa. Ngoài ra, vai trò của thủ môn cũng được thể hiện rõ với những cú đấm bóng. Nhưng với những cú ném biên, thông thường bên tổ chức tấn công sẽ tìm cách hạn chế khả năng di chuyển của thủ môn để tạo ra 1 tình huống nguy hiểm.

Ở không gian hạn hẹp trong vòng cấm, những cú ném biên rót thẳng bóng vào khoảng giữa thực sự gây vấn đề lớn. Chỉ cần 1 cú chạm bóng nhẹ cũng đủ để thủ môn không thể cản phá. Theo thống kê, không nhiều bàn thắng được ghi ở lần chạm bóng đầu tiên sau cú ném biên. Thay vào đó là các cú chạm bóng trong khoảng 30 giây sau.

Theo phân tích của các chuyên gia, tính tổ chức của hàng thủ thường bị phá vỡ bởi những cú ném bởi nó gây ra sự hỗn loạn. Chưa kể, khi ném biên, cầu thủ sử dụng nhiều cơ nên có tính chính xác cao hơn rất nhiều so với những cú đá phạt góc.

Stoke City trước đây từng rất nguy hiểm với những cú ném biên của Rory Delap, người có khả năng ném xa lên tới 40m. Hay hiện tại, Brentford cũng rất khó lường với khả năng ném xa của Mathias Jensen.

Theo HLV ném biên Thomas Gronnemark, thông thường các cầu thủ chỉ có thể ném biên trong khoảng cự li từ 5 đến 15m. Những cầu thủ có thể ném xa 30-40m thực sự rất hiếm. Các đội bóng mạnh thường không ưu tiên sử dụng 1 cầu thủ chỉ có khả năng ném biên. Nó có thể mang tới nhiều cơ hội ghi bàn nhưng lại ảnh hưởng chung tới lối chơi. Vì vậy, chiến thuật ném biên thường chỉ được sử dụng bởi các đội bóng thiếu ý tưởng.

Số lượng đội bóng sử dụng chiến thuật ném biên không nhiều nên đội phòng ngự thường chủ quan và thiếu phương án phòng bị.

Làm thế nào để vô hiệu hóa những cú ném biên?

Những cú ném biên vào vòng cấm rất nguy hiểm nhưng thực tế, tỉ lệ mang tới bàn thắng chỉ là 0,02 (tương đương cứ 1.000 cú ném biên sẽ tạo ra 20 bàn thắng). Nếu chủ động phòng bị với phương án đã được chuẩn bị sẵn, các đội bóng phòng ngự có thể vô hiệu hóa thứ vũ khí này.

Phương án đầu tiên là 1 kèm 1. Cầu thủ của đội phòng ngự phải bảo đảm rằng luôn theo sát nhất cử nhất động của cầu thủ bên tấn công. Nó sẽ giảm thiểu sự hỗn loạn, bảo đảm tính hệ thống được giữ vững. Đặc biệt, khi kèm người, cầu thủ phòng ngự phải đứng quay lưng về khung thành, hoặc đứng sau cầu thủ đối phương để quan sát và truy cản đúng lúc.

Ở tình huống dẫn tới bàn thua tại Bung Karno, có thể thấy ĐT Việt Nam đã không bảo đảm nguyên tắc an toàn khi để 2 cầu thủ Indonesia ở trạng thái không người kèm. Kể cả khi Minh Trọng không mắc sai lầm, khả năng để lọt lưới vẫn rất cao.


Hàng thủ ĐT Việt Nam đã bỏ quên 2 cầu thủ Indonesia. Trong khi đó, 1 cầu thủ áo đỏ đã được cắt cử theo kèm Nguyễn Filip

Phương án 2 là phát huy vai trò kiểm soát của thủ môn. Thông thường, đội tấn công sẽ cắt cử ít nhất 1 cầu thủ theo kèm thủ môn, hoặc tăng mật độ cầu thủ để giảm tầm hoạt động của thủ môn.

Trong bối cảnh đó, các hậu vệ của bên phòng ngự buộc phải tìm cách tạo khoảng trống cho thủ môn hoạt động. Thậm chí, với các tình huống ném bóng vào vòng 5m50, các hậu vệ có thể không tham gia để mình thủ môn xử lí. Đây là vòng bảo vệ của thủ môn nên bên tấn công nếu ngăn cản sẽ bị thổi phạt. Phương án này đã từng được sử dụng khá thành công ở Premier League.

Phương án thứ 3 cũng là an toàn nhất là không cho đối thủ có cơ hội ném biên. Tất nhiên, đây là mục tiêu khó nhưng đội phòng ngự có thể hạn chế tối đa những cú phá bóng không cần thiết ra biên, đặc biệt ở khu vực ngang vòng 16m50. Nó cũng giống việc ĐT Việt Nam thời HLV Park Hang-seo thường chơi rát ở cánh, không cho các đội Tây Á tạt bóng. Hạn chế điểm mạnh của đối thủ luôn là giải pháp an toàn nhất.

Hoàng Hà
Hãy đánh giá bài báo
Bình luận của độc giả
Hãy tham gia đóng góp ý kiến, bình luận cho bài báo này!
Để tham gia đóng góp ý kiến, bình luận bài báo, hãy đăng ký thành viên!